• Thông tin thị trường

NGÀY 25-26/5: HỘI THẢO ĐÔ THỊ SÁNG TẠO PHÍA ĐÔNG TP.HCM

NGÀY 25-26/5: HỘI THẢO ĐÔ THỊ SÁNG TẠO PHÍA ĐÔNG TP.HCM


UBND Thành phố đã chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về kinh nghiệm và định hướng phát triển đô thị sáng tạo tại TP.HCM trong tháng 5/2018.



Khu Đông TP.HCM bao gồm Quận 2, Quận 9. Quận Thủ Đức

Thời gian dự kiến tổ chức là vào ngày 25-26/5/2018, có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, và tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, về hai chủ đề chính là “Chiến lược chung phát triển thành phố sáng tạo” và “Định hướng về không gian quy hoạch đô thị cho đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM”.

Hội thảo do Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư về việc xây dựng đô thị sáng tạo TP.HCM làm tiền đề để nghiên cứu, xem xét, lập quy hoạch và xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông của Thành phố (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức).

Dự kiến các mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông trong giai đoạn 2018-2020 được xác định bao gồm:


Đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trọng điểm để liên kết các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo gồm: Xây dựng đường Vành đai 3; Xây dựng cầu Cát Lái nối qua thành phố Nhơn Trạch; Xây dựng mở rộng Quốc lộ 13 nối với Bình Dương; Xây dựng đường sắt nối với sân bay Long Thành; Tuyến Metro số 2 nối kết Bến Thành – Thủ Thiêm; Tuyến Metro 3b; Tuyến Monorail số 2 (từ Nguyễn Văn Linh qua Thảo Điền kết nối với khu đô thị Bình Qưới Thanh Đa).


Và đầu tư phát triển các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo:


Khu vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, bao gồm: Khu Công nghệ cao – Giai đoạn 1, Khu Công nghệ cao – Giai đoạn 2 (Khu Công viên khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), Khu công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) …

Khu vực giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, bao gồm: Đại học quốc gia TP.HCM (với các trường thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đai học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế - Luật, Viện Môi trường và Tài nguyên, Viện Đào tạo quốc tế, Viện John von Neumann, Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu…) và các đại học khác trong khu vực (Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nông Lâm, Đại học Fulbright …).


Khu vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, bao gồm: Khu chế xuất Linh Trung I, Khu chế xuất Linh Trung II, khu công nghiệp Cát Lái, khu công nghiệp Bình Chiểu, …

Các khu y tế, văn hóa, thể dục – thể thao, nghỉ ngơi – giải trí để tạo môi trường làm việc, học tập, sinh sống của các chuyên gia, các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao (Khu Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc, Khu liên hợp Thể dục – thể thao Rạch Chiếc, Sân golf Thủ Đức, Khu du lịch Suối Tiên …).

Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khoảng 3 triệu m2 sàn hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, bán lẻ và công trình văn hóa, các khu không gian công cộng rộng lớn.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cho cơ quan quản lý phát triển đô thị của Khu đô thị sáng tạo cũng như để thu hút, hỗ trợ cho: các đối tác cùng xây dựng và phát triển Khu đô thị sáng tạo; các doanh nghiệp hoạt động tại Khu đô thị sáng tạo; các cá nhân (chuyên gia, nhà khoa học, nhân công tay nghề cao…) sống và làm việc tại Khu đô thị sáng tạo.