• Thông tin thị trường

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN KHÓ “ĐÓNG BĂNG”

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN KHÓ “ĐÓNG BĂNG”


Đó là khẳng định của cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia bất động sản và các doanh nghiệp tại hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản ” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 18.7.



Bất động sản sẽ khó đóng băng
 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định sau một thời gian tăng nóng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại. Tại những điểm nóng như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, giá BĐS đã giảm. Những điểm nóng về tăng giá ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM giao dịch cũng đã hãm phanh. 4 thập niên trôi qua, cứ 10 năm một lần nền kinh tế lại trải qua một cuộc khủng hoảng, đó là vào năm 1979, 1989.1999, 2009 là đúng chu kỳ 10 năm đã diễn ra suốt 5 thập niên qua. Các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình chờ đợi nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bản lề của chu kỳ khủng hoảng.

“Bong bóng chắc chắn không xảy ra”


Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cho hay cơn sốt ảo đất nền hút một lượng vốn tiền trong tín dụng và xã hội, đến nay về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn được neo giữ ở mức cao vì nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có người mua. Việc này sẽ không thể khéo dài vì sức chịu đựng có giới hạn do nhiều người mua sử dụng vốn vay.

Tuy nhiên, bong bóng BĐS chắc chắn sẽ không xảy ra. “ Nhận định chu kỳ 10 năm là một chỉ dấu để tham khảo chứ không phải là dấu hiệu. Phân khúc nhà ở, căn hộ vừa túi tiền là phân khúc phát triển bền vững nhất của thị trường BĐS. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ ban hành chuẩn xây dựng VN và cho phép làm nhà ở thương mại dưới 45m2 sẽ là sự chuyển hướng quan trọng của thị trường.

Nguồn cung mới đáp ứng 10 – 15% nhu cầu


TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng cũng cho rằng trong thời gian tới vẫn có 5 cơ hội hỗ trợ phát triển thị trường BĐS khi Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án tốt đáp ứng nhu cầu thật của người dân. Tuy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm cho tỷ giá tăng lên nhưng NHNN đã can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra đã khiến tỷ giá hạ xuống. Các Ngân hàng thương mại sẽ giúp người dân, DN vay tiền với lãi suất tốt hơn và cuối cùng dòng vốn “chảy” vào BĐS sẽ từ các thị trường khác như chứng khoán...

Thị trường vẫn nằm trong tầm kiểm soát


Theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý nhà và BĐS, Sở Xây dựng TP.HCM, có hiện tượng sốt đất nền đã diễn ra ở các quận huyện ven là do hạ tằng giao thông phát triển mạnh, hoàn thiện nhưng thời gian gần đây thị trường có dấu hiệu chững lại. Dù vậy, về dài hạn giá trị BĐS vẫn sẽ tăng theo thời gian, theo tiến độ dự án và hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phù hợp nhưng mức độ tăng vừa phải ở mức 5% trở lại.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Thái Ngọc, Phó trưởng phòng Kế hoạch, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, Chính phủ đã có Nghị quyết số 80 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất TP.HCM đến năm 2020, theo đó một số chỉ tiêu sử dụng của TP sẽ có những bước phát triển nhảy vọt khi cho phép chuyển hơn 26.000 ha đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp. Trong đó nổi bật là đất khu công nghiệp khoảng 3.500 ha sẽ tăng lên 6.000ha, đất ở sẽ tăng đến 7.321 ha trong khi giai đoạn 2010 – 2015 chỉ khoảng 3.000 ha. Đất ở đô thị sẽ chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 4.500 ha và còn lại là đất ở nông thôn. TP.HCM mạnh dạn cho chuyển đổi sử dụng đất sẽ đạt được nhiều mục tiêu như an sinh xã hội ở các quận ven ngoại thành, tránh tình trạng xây dựng trái phép xảy ra trong thời gian trước.

Theo Thanhnien.vn